Theo các nội dung trong Luật Đầu tư năm 2020 được ban hành, hiện có 8 ngành nghề cấm kinh doanh, đầu tư. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin để nắm rõ các quy định của pháp luật.
Luật Đầu tư năm 2020 là gì?
Tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 10 Luật, trong đó có Luật Đầu tư 2020 thay thế Luật Đầu tư 2014. Luật này đã chính thức được sửa đổi với nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 và được ban hành với mục tiêu cơ bản là nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn, trên cơ sở đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm, bên cạnh đó tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, trong bộ luật này có 8 ngành nghề cấm kinh doanh, đầu tư, đồng thời cũng bị cấm đầu tư ra nước ngoài, căn cứ Khoản 1 Điều 53 về “Ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài”.
Tìm hiểu những ngành nghề cấm kinh doanh ở nước ta hiện nay
Các ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định mới nhất
Có 8 ngành nghề cấm kinh doanh, đầu tư căn cứ Khoản 1 Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh” theo Luật Đầu tư năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021
- Cấm kinh doanh một số chất ma túy.
Pháp luật quy định một số danh mục chất ma túy và tiền chất, trong đó có các chất ma túy được dùng hạn chế và tuyệt đối cấm sử dụng. Theo Luật Đầu tư quy định cấm đầu tư, kinh doanh với danh mục 47 chất ma túy, căn cứ Phụ lục 1 “Các chất ma túy cầm đầu tư kinh doanh”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020 (tăng thêm 2 chất so với Luật đầu tư năm 2014).
Bên cạnh đó, có 9 hành vi liên quan đến ma túy bị nghiêm cấm theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008.
- Cấm kinh doanh mại dâm
Theo Pháp lệnh phòng, chống mại dân năm 2003, có 9 hành vi mại dâm bị nghiêm cấm gồm: bán dâm, mua dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, cưỡng bức bán dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm, các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.
- Cấm mua, bán người, mô, xác bộ phận cơ thể, bào thai người
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực này được quy định cụ thể bao gồm:
+ 10 nhóm trong Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, căn cứ Điều 11 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”. Bên cạnh đó, Luật đầu tư năm 2020 bổ sung thêm việc cấm mua bán “xác và bào thai người” so với Luật đầu tư năm 2014,
+ 12 nhóm trong Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, căn cứ Điều 3 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”.
- Cấm hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người
Các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người bị cấm theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, căn cứ điểm g Khoản 2 Điều 5 về “Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình”.
Bên cạnh đó, quy định này cũng là một trong những thực tiễn trái với nhân phẩm của con người căn cứ theo Điều 11 Tuyên bố toàn cầu về Gen người và các quyền của con người đã được Đại hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua và tuyên bố tại phiên họp lần thứ 29 ngày 11/11/1997.
- Cấm kinh doanh một số loại hóa chất, khoáng vật
Căn cứ Điều 7 về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất”, trong Luật Hóa chất năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2018 có 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với các loại hóa chất, khoáng vật đã được quy định. Bên cạnh đó, có 14 nhóm căn cứ Điều 12 về “Những hành vi bị nghiêm cấm”, Luật năng lượng nguyên tử năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2018.
Ngoài ra, Luật Đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 18 loại, nhóm hóa chất, khoáng vật, căn cứ Phụ lục II “Danh mục hóa chất, khoáng vật” (tăng 5 loại, nhóm so với Luật đầu tư năm 2014).
Những ngành nghề cấm kinh doanh ở nước ta hiện nay
- Cấm kinh doanh một số mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với động vật, thực vật hoang dã được quy định cụ thể gồm:
+ 9 nhóm căn cứ Điều 9 về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp”, Luật lâm nghiệp năm 2017.
+ 9 nhóm căn cứ Điều 7 về “Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học” trong Luật đa dạng sinh học năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2018.
Theo “Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020, cấm đầu tư và kinh doanh đối với:
+ 258 loại thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên đã được quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp.
+ Mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, căn cứ Phụ lục III.
Như vậy, về bản chất, pháp luật không cấm kinh doanh toàn bộ, mà chỉ hạn chế một cách nghiêm ngặt việc sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm trên.
- Cấm kinh doanh pháo nổ
Theo Chỉ thị số 406-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo: Tất cả các loại pháo nổ đã bị nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 01/01/1995,.
Từ ngày 01/01/2017 trở đi, kinh doanh pháo nổ là một trong những ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2016.
- Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Năm 2020, các dịch vụ đòi nợ vì lý do dễ bị lợi dụng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã chính thức bị cấm. Quy định này được nêu trong Điểm b Khoản 1 Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh” của Luật đầu tư năm 2020.
Trước đó, pháp luật chưa có quy định cụ thể, do đó hoạt động đòi nợ thuê diễn ra một cách phổ biến. Từ năm 2015 trở đi, kinh doanh dịch vụ đòi nợ được xác định là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, căn cứ Phụ lục IV “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019.
Tuy nhiên, khác với những thứ gây nguy hại trực tiếp như ma túy, bản chất hoạt động đòi nợ thuê là vô hại, chỉ nên cấm việc đòi nợ thuê phạm pháp và xử lý những hành vi biến tướng, lạm dụng, gây nguy hại cho xã hội.
Trên đây là các ngành nghề bị cấm kinh doanh, đầu tư đã được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư năm 2020, hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được thông tin để tuân thủ đúng pháp luật.
Tổng hợp