Trong những năm gần đây, đầu bếp là một nghề nghiệp có cơ hội việc làm rất lớn với thu nhập hấp dẫn. Hãy tìm hiểu thông tin về nghề đầu bếp trong bài viết dưới đây nhé.
Nghề đầu bếp là gì?
Đầu bếp là một nghề nghiệp chỉ những người làm công việc nấu nướng hoặc phục vụ nấu ăn tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống… Họ là người được đào tạo bài bản để thực hiện việc nấu ăn chuyên nghiệp, họ được cấp chứng chỉ hay bằng cấp về nấu ăn. Hoặc có thể họ được truyền nghề từ các đầu bếp nổi tiếng và được công nhận dựa trên các tiêu chí đánh giá về nghề nghiệp, kinh nghiệm.
Mục tiêu mà những người đầu bếp luôn hướng tới là tạo ra các món ăn vừa tốt cho sức khỏe lại vừa đẹp mắt. Bên cạnh đó, họ còn có thể nghiên cứu để sáng tạo ra những công thức nấu ăn mới.
Để thành một đầu bếp chuyên nghiệp cần phải thực hiện các công việc như lập menu, cân đối giá cả, chế biến các món ăn ngon và đẹp mắt. Nói chung, đầu bếp không phải chỉ là nấu ăn mà họ cần hội tụ đủ các kỹ năng khác và phải được đào tạo bài bản.
Tìm hiểu những tố chất cần có của nghề đầu bếp
Xem thêm: Nghề Diễn viên cần học giỏi môn gì?
Cơ hội việc làm của nghề đầu bếp
Môi trường làm việc của nghề đầu bếp khá đa dạng có thể làm việc tại các đơn vị như khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… Bên cạnh đó, ngành du lịch và dịch vụ tại Việt Nam đang phát triển không ngừng. Điều này kéo theo các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở ra ở khắp các địa điểm du lịch nổi tiếng. Do đó, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực của nghề đầu bếp hiện nay khá cao.
Đối với những học viên mới tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc phụ bếp với mức lương không cao. Tuy nhiên, công việc này sẽ giúp bạn trau dồi được nhiều kỹ năng và kiến thức để lên các vị trí cao hơn như đầu bếp, bếp trưởng… Sau khi tích lũy kinh nghiệm về nhiều nền ẩm thực thì có thể trở thành đầu bếp tại các nhà hàng, khách sạn lớn. Mức lương của đầu bếp dao động từ 10 – 30 triệu đồng hoặc có thể cao hơn tùy vào đơn vị tuyển dụng.
Ngoài ra, nếu bạn có mong muốn tự mở cửa hàng kinh doanh ăn uống thì sau khi hoàn thành các khóa học chuyên nghiệp bạn có thể lên kế hoạch và thực hiện ước mơ của mình. Để mở được quán bạn cũng cần có những kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả để duy trì được lâu dài.
Một số yêu cầu của nghề đầu bếp
Để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, bạn cần nỗ lực không ngừng và phát triển một số kỹ năng để đáp ứng các yêu cầu của nghề.
Có niềm đam mê, sự quyết tâm và lòng yêu nghề
Đây là phẩm chất quan trọng không chỉ ở nghề đầu bếp mà tất cả mọi nghề nghiệp đều cần phải có. Đặc biệt trong bất cứ ngành dịch vụ nào cũng chứa đựng cường độ và áp lực công việc rất lớn. Bên cạnh đó, mỗi ngày đầu bếp sẽ phải phục vụ rất nhiều khách hàng với những nhu cầu và sở thích khác nhau nên cần phải có sự kiên nhẫn và tính toán vượt bậc. Chỉ có yêu nghề, đam mê mới giúp bạn vượt qua khó khăn cũng như tìm tòi ra những cái hay, cái mới cho món ăn.
Luyện tập khả năng nêm nếm
Để trở thành một đầu bếp giỏi, khả năng nêm nếm, nhạy cảm với hương vị của món ăn cũng rất quan trọng. Có những người bẩm sinh đã rất nhạy cảm với mùi vị, tuy nhiên cũng có người phải tập luyện để có khả năng nhận biết và nêm nếm tốt. Điều này sẽ giúp ích cho việc tạo ra những món ăn có hương vị thơm ngon và phù hợp với khẩu vị của nhiều khách hàng.
Giữ cho khu vực bếp luôn sạch sẽ
Trước khi nấu nướng, đầu bếp luôn sắp xếp các nguyên liệu, dụng cụ nấu ăn một cách ngăn nắp và dễ tìm. Đặc biệt, đối với đầu bếp, dao là công cụ quan trọng nên họ luôn bảo quản và giữ gìn cho dao sắc bén.
Đối với những gian bếp lớn, đầu bếp còn đánh dấu hoặc dán nhãn để thuận tiện trong việc sử dụng khi cần thiết. Ngoài ra, trong quá trình chế biến món ăn, những nguyên liệu dư thừa được dọn dẹp gọn gàng là yêu cầu đối với đầu bếp chuyên nghiệp.
Không ngừng nâng cao kiến thức ẩm thực
Ẩm thực thế giới vô cùng phong phú và luôn có sự biến đổi, do đó mỗi người đầu bếp phải luôn học hỏi và tìm tòi những công thức món ăn độc đáo. Từ đó có thể tạo ra những món ăn cả truyền thống và hiện đại của nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, đầu bếp cần ý thức được việc cần nâng cao kiến thức ẩm thực.
Tìm hiểu những tố chất cần có của nghề đầu bếp
Xem thêm: Nghề Phi công ở Việt Nam làm gì và cần những tiêu chuẩn nào?
Ghi nhớ và vận dụng
Mỗi đầu bếp cần có trí nhớ tốt để ghi nhớ các kiến thức về ẩm thực cũng như nhiều công thức chế biến món ăn khác nhau. Nhờ đó, đầu bếp có thể thông thạo trong việc sơ chế nguyên liệu đến cách chế biến và vận dụng linh hoạt vào môi trường làm việc thực tế.
Học cách lắng nghe
Trong khu vực bếp, dù làm vị trí nào thì mọi người cũng cần phải lắng nghe lẫn nhau để làm đúng công việc của mình. Bên cạnh đó, người đầu bếp cũng nên biết cách lắng nghe phản hồi từ phía khách hàng để thay đổi theo hướng tích cực.
Luôn sáng tạo không ngừng
Một đầu bếp chuyên nghiệp cần có sự sáng tạo trong chế biến để tạo ra sự khác biệt trong món ăn, đem lại sự mới lạ và thu hút khách hàng. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với người làm về ẩm thực.
Bởi một món ăn dù ngon nhưng không mới lạ thì sẽ khiến thực khách cảm thấy nhàm chán. Do đó, muốn trở thành đầu bếp giỏi, bạn phải luôn có ý thức về việc học hỏi và sáng tạo. Sáng tạo trong các phương pháp chế biến món ăn, cách kết hợp các nguyên liệu và trình bày sẽ giúp cho bạn tạo nên những món ăn hấp dẫn.
Lập kế hoạch
Tại các nhà hàng, khách sạn lớn, mỗi ngày có thể sẽ tiếp đón hàng trăm hoặc phục vụ cho các bữa tiệc lớn có hàng nghìn lượt khách. Vì vậy, để có thể đáp ứng được số lượng lớn đơn đặt hàng, đầu bếp phải biết lập kế hoạch, sắp xếp và phân chia thời gian hợp lý. Bên cạnh đó, các đầu bếp cũng cần lập kế hoạch làm việc sao cho thật logic và hiệu quả để hoàn thành công việc đúng tiến độ, để món ăn đến tay khách hàng kịp lúc.
Có kỹ năng quản tổ chức và tài chính
Khi trở thành bếp trưởng, ngoài việc nấu ăn, bạn phải đảm nhận nhiệm vụ quản lý và tổ chức công việc trong gian bếp một cách khoa học nhất. Khi bạn quản lý tốt nhân viên cấp dưới, kiểm soát hiệu quả đơn hàng, điều phối và sắp xếp công việc hợp lý thì sẽ giúp bộ máy làm việc trong gian bếp được vận hành suôn sẻ.
Bên cạnh đó, quản lý tài chính cũng là một yêu cầu cần có đối với đầu bếp. Khi quản lý tài chính hiệu quả và khoa học sẽ giúp bạn kiểm soát chi phí mua nguyên liệu, từ đó giảm giá thành món ăn, tăng lợi nhuận và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Khả năng ngoại ngữ
Khả năng ngoại ngữ tốt là một trong những lợi thế nếu muốn trở thành một bếp trưởng tại các nhà hàng cao cấp. Bởi vì đây là môi trường tiếp xúc với nhiều khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, nếu bạn có khả năng ngoại ngữ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao dồi kiến thức, kỹ năng nghề bếp.
Khéo léo và có năng khiếu cá nhân
Bên cạnh chế biến món ăn có hương vị thơm ngon thì việc trang trí để trở thành một tác phẩm nghệ thuật cũng là điều vô cùng quan trọng của một đầu bếp. Bên cạnh đó, đối với một đầu bếp còn cần những tố chất khác như gọn gàng, tỉ mỉ, sạch sẽ… Chính những điều này sẽ tạo nên ấn tượng tốt đẹp của bạn đối với các khách hàng của mình.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu thêm về cơ hội việc làm cũng như tố chất cần có của nghề đầu bếp.
Tổng hợp