Trong những năm gần đây, xu hướng nuôi thú cưng đang ngày càng phổ biến ở nước ta. Chính vì vậy, ngành học liên quan đến thú y cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm. Hãy tìm hiểu những vấn đề liên quan đến nghề bác sĩ thú y trong bài viết dưới đây nhé.
Bác sĩ thú y là gì?
Nghề bác sĩ thú y là người thực hiện việc chẩn đoán và chữa trị bệnh cho các loài động vật. Bên cạnh đó, họ cũng tiến hành nghiên cứu và đưa ra các biện pháp phòng chống sự lan rộng của dịch bệnh trên động vật, bảo vệ đời sống của các loài động vật, tránh lây lan cho con người.
Các bác sĩ thú y thường làm việc trong các vườn thú, khu bảo tồn thiên nhiên, hay các đơn vị quản lý về môi trường… Không chỉ vậy, họ còn có thể tự mở phòng khám của riêng mình, chuyên chữa bệnh và chăm sóc cho “thú cưng” của các gia đình.
Muốn trở thành bác sĩ thú y thì học ngành gì?
Để trở thành bác sĩ thú y, bạn sẽ phải theo học ngành Thú y tại các trường đại học có đào tạo ngành học này. Ngành Thú y (tiếng Anh là Veterinary Medicine) là ngành nghiên cứu chuyên sâu về bệnh học động vật (động vật hoang dã, động vật cảnh, động vật nông nghiệp). Ngành này góp phần chăm sóc và bảo vệ cho các vật nuôi bằng hiểu biết về luật, thị trường thuốc thú y, thị trường chăn nuôi.
Chương trình đào tạo của ngành Thú y sẽ trang bị cho người học những kiến thức chuyên sâu về bệnh học (căn bệnh, dịch tễ học, kỹ thuật chẩn đoán, biểu hiện lâm sàng, điều trị và phòng bệnh), về ngoại khoa, giải phẫu bệnh và những vấn đề pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, ngành học này còn cung cấp những kiến thức và kỹ năng như thực hiện các thao tác phòng thí nghiệm; cũng như biết sử dụng một số dược phẩm, hóa chất, vắc xin phòng trị bệnh cho động vật.
Ngoài ra, theo học ngành bác sĩ thú y, bạn sẽ có kiến thức về một số ngành liên quan gần như chăn nuôi gia súc, chăn nuôi thú cảnh, nuôi thủy sản, trồng trọt. Đồng thời biết cách vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến thú y vào lĩnh vực sản xuất động vật, sản xuất dược phẩm và vắc xin thú y…
Nghề bác sĩ thú y đang được nhiều bạn trẻ quan tâm
Ngành Thú y xét tuyển những tổ hợp môn nào?
Hiện nay, với sự mở rộng các khối thi cơ bản A, B, C và D thành nhiều tổ hợp môn thì các bạn có nhiều sự lựa chọn các môn thi phù hợp với năng lực của bản thân. Ngành Thú y thường xét tuyển đầu vào bằng các tổ hợp môn sau:
- A00: Toán – Vật lý – Hóa học
- A01: Toán – Vật lý – Tiếng Anh
- B00: Toán – Hóa học – Sinh học
- C02: Ngữ văn – Toán – Hóa học
- D01: Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh
- D07: Toán – Hóa học -Tiếng Anh
- D08: Toán – Sinh học – Tiếng Anh
- D90: Toán – Tiếng Anh – Khoa học tự nhiên
Tùy theo từng tổ hợp môn xét tuyển mà mức điểm chuẩn của ngành Thú y dao động trong khoảng 14 – 16 điểm đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và 18 – 20 điểm đối với phương thức xét học bạ THPT.
Theo học nghề bác sĩ thú y ở đâu?
Trên cả nước ta hiện có nhiều trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành Thú y, nếu bạn có mong muốn được thực hành nghề bác sĩ thú y thì có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường sau:
– Khu vực miền Bắc: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Bắc Giang.
– Khu vực miền Trung: Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Nông lâm – Đại học Huế, Phân hiệu Đại học Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai.
– Khu vực miền Nam: Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM, Phân hiệu Đại học Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận, Đại học Trà Vinh, Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Đô.
Ngoài các trường trên còn có nhiều trường đại học và cao đẳng đào tạo ngành Thú y, do đó bạn cần tìm hiểu thông tin cụ thể trên website của từng trường.
Tìm hiểu về cơ hội việc làm ngành Thú y
Trước nhu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và sở thích nuôi thú cảnh dần trở nên phổ biến, ngành Thú y ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm hơn. Theo phân tích về nhu cầu lao động, hiện ở nước ta thiếu khoảng 3,2 triệu nhân lực trong ngành Nông – lâm – ngư nghiệp.
Trong khi đó, số lượng sinh viên ngành Thú y ra trường hàng năm không nhiều, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng trong ngành này lại khá lớn. Điều này giúp cho các sinh viên theo học ngành Thú y có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.
Công việc của bác sĩ thú y là thăm khám và chữa bệnh cho các con vật
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có đủ kiến thức và năng lực chuyên môn để đảm nhận các công việc tại các đơn vị sau:
- Làm việc tại các bệnh viện thú y, phòng khám thú y, phòng xét nghiệm thú y khoa.
- Làm việc tại các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm, khu bảo tồn động vật hoang dã hay vườn thú…
- Làm việc tại phòng xét nghiệm thú y khoa, các cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc thú y.
- Làm công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y; các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái.
- Làm việc tại cơ sở chăn nuôi, hoặc chế biến thực phẩm, thủy hải sản.
- Tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các Trường, Viện chuyên ngành.
- Chuyên viên tại các công ty quản lý nhà nước, như Phòng, Sở Nông nghiệp, Cục, Chi cục thú y Tỉnh, Trạm thú y quận huyện…
- Mở công ty thuốc thú y, hoặc phòng khám thú y hoặc trang trại chăn nuôi của riêng mình.
Mức lương của nghề bác sĩ thú y tương đối ổn định, với lương khởi điểm từ 5.000.000 – 8.000.000 VNĐ/tháng. Mức lương này sẽ không đứng yên mà tăng theo kinh nghiệm làm việc, cũng như khả năng và sự cố gắng của mỗi cá nhân. Đặc biệt có nhiều đơn vị kinh doanh còn sẵn sàng trả 20.000.000 VNĐ/tháng cho vị trí kỹ sư thú y.
Những tố chất cần thiết để theo đuổi ngành Thú y
Để theo học tập và thành công với ngành Thú y, các bạn cần hội tụ những tố chất sau đây.
Tâm huyết với nghề
Dù làm bất cứ ngành nghề nào thì để thành công cũng cần phải có sự cố gắng và phấn đấu không ngừng, luôn vững tinh thần trong mọi hoàn cảnh, có tâm lý ổn định.
Có lòng yêu thương động vật
Đối với nghề bác sĩ thú y cần có lòng yêu thương động vật để có thể cảm nhận và đồng cảm với những nỗi đau của chúng. Từ đó bạn mới có thể chẩn đoán đúng và điều trị có hiệu quả cho động vật.
Tính kiên trì đối với nghề
Ngành Thú y là một ngành nghề khá đặc biệt, bởi vì đối tượng cứu chữa bệnh không phải là con người mà là vật nuôi. Do đó, để làm việc trong ngành này, bạn cần phải được đào tạo bài bản trong thời gian khá dài để trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành.
Không chỉ vậy, ngành này thường có những môn học khô khan hơn các ngành khác, do đó bạn cần phải có sự kiên trì học tập mới có thể có đầy đủ bản lĩnh và ra hành nghề. Bên cạnh đó, để trở thành một bác sĩ thú y, bạn phải đương đầu với những áp lực trong công việc rất lớn. Chính vì vậy, chỉ có sự nhẫn nại và tận tâm mới giúp bạn trụ vững với nghề.
Luôn học hỏi, cập nhật kiến thức không ngừng
Ngành Thú y cũng nhiều điểm tương tự như ngành Y khoa chữa bệnh cho người. Những kiến thức y học và các thiết bị máy móc luôn được hiện đại hóa vfa không ngừng được đổi mới thường xuyên.
Chính vì vậy, chỉ những người thực sự có niềm đam mê học hỏi và thường xuyên cập nhật những tiến bộ y học mới có đủ kiến thức và kỹ năng điều trị bệnh cho động vật, cho vật nuôi sao cho hiệu quả nhất.
Có khả năng quan sát tốt
Đối tượng cứu chữa của bác sĩ thú y là những con vật, do đó cần phải có khả năng quan sát tốt để đưa ra những nhận định về tình trạng bệnh của chúng. Toàn bộ cuộc sống của con vật được giao cho bác sĩ, nếu chỉ đưa ra những phán đoán sai lầm thì sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ cần đưa ra chẩn đoán bệnh đúng và từ đó có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân là những con vật.
Tổng hợp