Phi công là một ngành nghề còn khá mới mẻ và được ít người biết đến. Trong những năm trở lại đây, nghề Phi công thu hút sự quan tâm đông đảo của giới trẻ, bởi đây là ngành nghề có mức thu nhập “khổng lồ” cùng với những đãi ngộ vô cùng tốt so với những công việc khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghề Phi công là gì và nghề này học ở đâu luôn là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu về nghề Phi công trong bài viết dưới đây nhé!
Nghề Phi công là gì? Sơ lược về nghề Phi công
Phi công (tiếng Anh là Pilots) là người lái, điều khiển máy bay hoặc thiết bị bay bằng lực đẩy động cơ. Từ này áp dụng cho người lái và chỉ huy tổ bay trên máy bay nhiều người điều khiển. Đây là một nghề nghiệp phức tạp và yêu cầu cao, phi công phải được đào tạo và vượt qua các kỳ thi, kiểm tra về thể lực, kiến thức và kỹ năng điều khiển máy bay.
Để trở thành Phi công, trước hết bạn phải vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào với hàng loạt bài kiểm tra về sức khỏe, kiến thức và ngoại ngữ, sau đó bạn phải tham gia nhiều buổi học với hàng trăm giờ bay thử trước khi lấy được bằng lái máy bay. Khi trải qua vòng sơ tuyển, các học viên sẽ tham gia khóa huấn luyện phi công dự khóa và chương trình đào tạo phi công cơ bản.
Sau đó, các học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ trong khoảng 1 năm, rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và 5 năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Do đó, đào tạo được một phi công thực thụ thường sẽ phải mất từ 7 đến 9 năm.
Nghề Phi công không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thị lực tốt mà còn phải có khả năng phối hợp và giao tiếp tốt, óc tổ chức, lên kế hoạch, kỹ năng định hướng, dẫn đường, khả năng tập trung cao độ trong một thời gian dài. Ngoài ra, nghề Phi công cũng đòi hỏi những con người có tinh thần trách nhiệm cao.
Công việc chính của Phi công là chuẩn bị, trình hoặc kiểm tra các kế hoạch bay; kiểm tra số lượng hành khách và khối lượng hàng hóa, nhận định lượng nhiên liệu cần thiết, kiểm tra tình trạng thiết bị để xác nhận sự đảm bảo của quy trình bảo dưỡng; kiểm tra các thiết bị điều khiển máy bay. Trong quá trình bay, Phi công bằng các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật của mình điều khiển máy bay theo sự chỉ dẫn của trạm không lưu, theo đúng quy trình an toàn.
Ngoài ra, Phi công còn cung cấp cho hành khách các thông tin về chuyến bay, điều kiện thời tiết và các bến đỗ trong hành trình; điều hành tổ lái và tổ tiếp viên; báo cáo về quá trình bay với đài kiểm soát không lưu. Sau mỗi chuyến bay, họ luôn chú ý viết báo cáo và lưu giữ nhật ký chuyến bay…
Ảnh minh họa
Học nghề Phi công ở đâu?
Nghề Phi công thi khối nào và học nghề này ở đâu hẳn là thắc mắc của rất nhiều bạn trẻ đang quan tâm đến ngành nghề này. Tuy nhiên, khác với những ngành học khác thì Phi công có quá trình sơ tuyển riêng biệt và vô cùng gắt gao.
Tại Việt Nam hiện nay có trường Học viện Hàng không Việt Nam đào tạo nghề Phi công. Bên cạnh đó, còn có Trường Phi công Bay Việt là một trong những Tổ chức huấn luyện Phi công dân dụng tại Việt Nam được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn. Chương trình huấn luyện phi công của Bay Việt được thực hiện ở cả Việt Nam và nước ngoài thông qua việc liên kết đào tạo với các đối tác trường bay uy tín tại Mỹ, Úc, New Zealand và Châu Âu.
Để trở thành phi công chuyên nghiệp, một học viên có thể đi theo 3 con đường. Một là học tại Việt Nam, sau đó xin đi du học nước ngoài. Hai là du học ngay từ đầu và thứ ba là được các hãng hàng không nội địa cử đi học.
Ở trường hợp thứ nhất, các học viên có thể học sơ cấp tại Học viện Hàng không Việt Nam trong 2 năm, sau đó, tùy vào năng lực và tài chính có thể học tiếp tại Nam Phi hoặc Úc. Chi phí đi học trong nước và nước ngoài do người học tự chi trả 100%. Đây là một số tiền không nhỏ.
Ở trường hợp thứ hai, học viên có thể lựa chọn các trường đại học tại các quốc gia đã kể trên và phải theo học 5 – 6 năm mới được cấp chứng chỉ hàng không quốc tế. Chi phí cho toàn bộ khóa học trên dưới 5 tỷ đồng, tùy vào từng cơ sở dạy học và chưa bao gồm các chi phí sinh hoạt.
Với trường hợp thứ ba, các học viên có thể thi sơ tuyển vào các hãng hàng không nội địa như: Jetstar, Vietjet hoặc VNA, thời hạn có thể từ 1 – 2 năm, chi phí là tự túc.
Dù đi theo ngành phi công ở bất kỳ trường hợp nào, các học viên đều phải bỏ ra vài tỷ đồng để trở thành một cơ phó rồi mới được nhìn nhận như một phi công chuyên nghiệp.
Một trong những ngành nghề “hot” nhất tại Việt Nam hiện nay
Trong những năm gần đây, nghề Phi công ở Việt Nam đang trở thành một ngành nghề “hot” nhất với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp; bởi nghề này được dự báo cần một nguồn nhân lực lớn trong tương lai.
Năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam công bố, đến năm 2020, cả nước cần 2.680 phi công thương mại. So với số lượng phi công hiện có, cần bổ sung đến 1.320 người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn nhân lực phi công trong nước không đủ cung cấp cho các hãng hàng không, vì vậy mà các hãng vẫn chủ yếu phải dựa vào nhân sự thuê từ nước ngoài. Với nhu cầu hiện nay, các hãng hàng không lớn tại Việt Nam sẽ phải “đau đầu” để tuyển cho đủ số phi công lấp đầy số lượng lớn máy bay và chuyến bay liên tục theo nhu cầu của thị trường.
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không và sự khan hiếm nhân lực trong buồng lái, những người “điều khiển chim sắt” đều có mức lương cao ngất ngưởng.
Theo Tổng công ty Hàng không Vietnam Airlines, năm 2016, tiền lương bình quân cho đội ngũ phi công của hãng lên tới 115,3 triệu đồng/tháng và vẫn đang tăng lên theo thời gian. Thực tế, con số này chỉ là mức lương trung bình bởi thu nhập của mỗi phi công sẽ khác nhau phụ thuộc vào cấp bậc, loại máy bay điều khiển, giờ bay và thâm niên công tác. Nên các bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi có những Phi công thu nhập hàng tháng lên tới 200 đến 300 triệu đồng.
Với những điều kiện vô cùng hấp dẫn trên thì nghề Phi công quả là một ngành nghề lý tưởng và xứng đáng để đầu tư theo học đúng không nào.